Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf của Chính phủ quy định các điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh, cấm kinh doanh sân golf trên đất quốc phòng, an ninh…
- Ngành du lịch, khách sạn sẽ phục hồi mạnh mẽ nhất “hậu covid”
- Đồng Nai: Đất nền khu vực trung tâm hành chính huyện Trảng Bom thu hút nhà đầu tư
- Chuyên gia Savills cho rằng: Đừng vội vàng xuống tiền mua nhà chỉ vì lời rao “cắt lỗ”
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020.
Theo đó, sân golf được xây dựng tại địa điểm đáp ứng các điều kiện sau: Phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan.
Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf (ảnh minh họa: Internet)
Việc đầu tư kinh doanh sân golf phải đáp ứng điều kiện xây dựng công trình cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật kết nối trong và ngoài khu vực sân golf; phù hợp với yêu cầu lập hành lang bảo vệ nguồn nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, tài nguyên môi trường biển, hải đảo.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về quy hoạch, đất đai có trách nhiệm công bố công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quy hoạch và đất đai làm cơ sở để xác định địa điểm xây dựng sân golf.
Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án sân gôn theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Nghị định quy định các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf, gồm: Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp quy định; đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích thuộc danh mục kiểm kê của UBND cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định; đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao; đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Đê điều, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo.
Dự án sân golf ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 5 ha đất trồng lúa một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng và phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, điều kiện thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp.
Việc sử dụng đất tại vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích để xây dựng sân golf không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật di sản văn hóa.
Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf cũng được quy định cụ thể trong Nghị định 52/2020/NĐ-CP.
Nghị định nghiêm cấm hành vi xây dựng và kinh doanh sân golf khi chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định 52/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan; lợi dụng kinh doanh sân gôn để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép.
Hành vi cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Theo Dân Trí