Việc Bộ Xây dựng phát công văn yêu cầu 12 cựu quan chức trả lại nhà công vụ cho thấy nhiều khe hở trong quản lý quỹ nhà này.
- Hoàng loạt dự án vi phạm về đất đai tại Hưng Yên
- Bcons đã cất nóc tòa nhà văn phòng và chuẩn bị khai trương Bcons Tower II
Nhà ở công vụ CT1-CT2 Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, nơi nhiều cựu cán bộ chậm trả nhà vì chờ hóa giá. Ảnh: Trọng Tài
Căn hộ rộng 124 m2 ở tòa nhà CT7 Mỹ Đình-Sông Đà (Hà Nội) được giao cho bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thuê từ năm 2013 đến nay. Dù thời gian sử dụng thực tế kéo dài thêm gần 1 năm, nhưng bên thuê và cơ quan quản lý nhà không có văn bản xác nhận nào. Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Thanh nói rằng, khi xin gia hạn, bà chỉ nói miệng với ban quản lý. “Tôi không có văn bản gì mà chỉ trao đổi thôi. Anh em ở đây cũng có văn bản gì đâu”, bà nói.
Với trường hợp bà Nguyễn Hồng Lý, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, thông tin trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà và người sử dụng nhà không rõ ràng. Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Lý nói rằng, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, bà về quê sinh sống tại một chung cư ở quận 12, TPHCM; thời điểm bà về, người trong Ban quản lý dự án nói đang làm tờ trình về đề án hóa giá nhà công vụ. “Các bạn í (Ban quản lý) bảo chờ thêm một thời gian, chứ mình không phải cố tình chây ì không trả lại nhà. Tôi thấy bảo đợi hóa giá nên cho người nhà ở và lúc ở đóng tiền dịch vụ, điện, nước hằng tháng”, bà nói. Tuy nhiên, kể cả có việc bán hóa giá quỹ nhà thì các bên vẫn phải tuân thủ tuyệt đối hợp đồng thuê nhà đã ký, các chuyên gia nhận định.
Liên quan việc chưa trả nhà ở công vụ, một cựu lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói rằng, đã bàn giao chìa khóa và trả nhà công vụ cho Ban quản lý từ năm 2019, ngay sau khi nghỉ hưu; không rõ quy trình thực hiện giữa Ban quản lý nhà công vụ với Bộ Xây dựng ra sao, vẫn bị nêu tên trong văn bản yêu cầu trả nhà. Đến lúc có văn bản, hỏi ra mới biết là còn phải làm các thủ tục, quy trình bàn giao.
Về thực trạng quản lý quỹ nhà công vụ, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, nhận xét, tình trạng buông lỏng quản lý quỹ nhà công vụ đã xảy ra từ nhiều năm trước, tình trạng biến tướng trong sử dụng nhà công vụ từng xảy ra tại một số địa phương. Hàng nghìn căn nhà là tài sản rất lớn của Nhà nước, cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, không thể để tình trạng cán bộ nghỉ hưu mấy năm rồi vẫn chưa trả nhà, vì đó là tài sản của Nhà nước, không phải của cán bộ Ban quản lý hoặc Bộ Xây dựng. Nếu cán bộ nghỉ hưu thực sự có khó khăn về nhà ở thì cũng cần xác minh, giải quyết rõ ràng. Lùi thời hạn bàn giao nhà theo hợp đồng thuê nhà cả năm mà hồ sơ, giấy tờ không có thì đúng là quá tùy tiện trong quản lý. “Luật Nhà ở có quy định về nhà công vụ nhưng thiếu chế tài xử lý. Tôi đề xuất bổ sung nội dung này vào luật khi sửa đổi”, ông Nghiêm nói.
Theo Tiền Phong