Việc người bốc dỡ hàng hóa phải đứng cách 2 m nên không thể tương trợ nhau hoặc xe chở hàng khó vào khu công nghiệp đang khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn
- Xuất hiện căn hộ du lịch đạt tiêu chuẩn 5 sao giữa lòng Tp.Vũng Tàu
- Bắc Ninh: Xuất hiện sân golf quốc tế tại Thuận Thành
- Công bố tòa tháp “Babylon” trong dự án 1,2 tỷ đô của Sunshine Group
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất được hướng dẫn một số nội dung nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có các biện pháp cách ly xã hội. Sở dĩ có đề xuất này bởi Bộ Công Thương đã nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) gặp lúng túng trong việc tổ chức sản xuất ở các ngành thuộc nhóm sản xuất – kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, cũng như thực hiện quy định về khoảng cách tối thiểu đối với các lao động tham gia sản xuất.
Cần hướng dẫn cụ thể, thống nhất
Các DN cho rằng trường hợp DN có hoạt động sản xuất – kinh doanh các sản phẩm hàng hóa nhưng không thuộc loại hàng hóa thiết yếu thì có buộc phải yêu cầu người lao động ở nhà, không đến cơ sở sản xuất – kinh doanh hay không. Nhiều DN vẫn phải tiến hành hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh để sản xuất hoặc tiêu thụ, nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, hay vận chuyển hàng hóa để xuất khẩu từ các cảng biển, nên có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nguyên tắc cách ly như Chỉ thị 16 đề cập. Hoặc yêu cầu “không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng” nếu áp dụng đối với lao động bốc xếp hàng hóa ở các cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, bến bãi logistics… sẽ rất khó áp dụng.
Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 2-4, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng cần có hướng dẫn thống nhất để thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng, thay vì mỗi cơ quan một kiểu, mỗi địa phương một kiểu. Chẳng hạn việc một số đơn vị thông báo tạm dừng đăng kiểm phương tiện, sau đó lại “rút” thông báo, gây ảnh hưởng đến kế hoạch của DN.
Nhà ăn của Công ty Samsung được làm vách ngăn để bảo đảm cách ly, phòng chống dịch Ảnh: MINH PHONG
Trưa cùng ngày, một DN logistics thuộc hiệp hội phản ánh đến ông Nguyễn Tương về việc xe chở linh kiện điện tử Hải Dương đến một KCN của TP Hải Phòng phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trạm kiểm soát tại khu vực cửa ngõ đã không cho phương tiện lưu thông vào với lý do “không phải biển kiểm soát Hải Phòng”. Tài xế đã xuất trình các giấy tờ cần thiết, thực hiện kiểm tra y tế nhưng cũng không được phép vận chuyển linh kiện vào TP để đến KCN. Ông Tương cho rằng việc kiểm soát này cần xem xét lại bởi sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.
Đối với người lao động làm việc tại các kho bãi, bốc xếp hàng hóa, ông Nguyễn Tương cho biết tinh thần là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 nhưng yêu cầu về khoảng cách tối thiểu 2 m, có một vài trường hợp trên thực tế không thể đáp ứng nhưng người lao động vẫn tuân thủ việc đeo khẩu trang, khai báo y tế đầy đủ.
“Trong khi bốc xếp hàng, người lao động có thể phải hỗ trợ lẫn nhau hoặc khi nộp giấy tờ, chứng từ xuất nhập kho thì phải đứng khoảng cách gần để trao đổi thông tin. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể cho DN yên tâm thực hiện” – ông Tương nhấn mạnh.
Một DN sản xuất thực phẩm khô đóng gói ở tỉnh Hưng Yên cũng băn khoăn khi triển khai công việc tại phân xưởng. Mặc dù các biện pháp như đeo khẩu trang, sát khuẩn, khai báo y tế được thực hiện đầy đủ nhưng khi làm việc trong phân xưởng khó tránh khỏi tiếp xúc, không bảo đảm khoảng cách do đặc thù công việc. Đại diện DN này kiến nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn để DN có cơ sở thực hiện.
Thay đổi nhằm thích ứng với quy định mới
Đại diện Samsung Việt Nam cho biết sau khi Thủ tướng ra Chỉ thị 16, Samsung Việt Nam đã tăng cường các biện pháp giãn cách trong công ty bằng cách bố trí làm việc từ xa với các nhân viên khối hỗ trợ sản xuất. Tại các khu vực nhà ăn, DN đã lắp đặt vách ngăn giữa bàn ăn nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa các nhân viên trong khi ăn và bố trí giãn khoảng cách khi xếp hàng lấy đồ ăn giữa các nhân viên trong hàng. Trước khi lên xe bus đi làm hoặc rời công ty, các nhân viên được kiểm tra nhiệt độ và được yêu cầu đứng cách nhau 2 m khi xếp hàng lên xe. Trên xe bus, DN này cũng sắp xếp cho nhân viên ngồi bảo đảm khoảng cách an toàn.
Samsung Việt Nam cũng phát khẩu trang và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn miễn phí, kiểm tra thân nhiệt của nhân viên tại các cổng nhà máy, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người và thường xuyên thực hiện các biện pháp khử trùng tại các khu vực trong nhà máy.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu nên bộ phận sản xuất vẫn hoạt động bình thường và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch.
Công ty đã lấy mặt bằng bãi xe để mở rộng diện tích nhà ăn nhằm giãn cách người lao động trong giờ ăn theo quy định là phải cách nhau 2 m. Với bộ phận văn phòng, Vissan chia làm làm hai nhóm luân phiên nhau làm tại trụ sở và làm trực tuyến để giảm mật độ nhân viên tại công ty. Đối với các cửa hàng, nhân viên hướng dẫn khách hàng đứng cách nhau 2 m, nhất là khi xếp hàng chờ tính tiền còn lực lượng bảo vệ sẽ yêu cầu khách hàng đợi bên ngoài nếu bên trong đang có nhiều khách mua sắm để tránh tụ tập đông người. Riêng việc sản xuất bên trong nhà máy do máy móc, dây chuyền đã bố trí sẵn nên khó thực hiện khoảng cách 2 m hơn nhưng công ty cố gắng giãn cách nhất có thể.
Còn ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TP HCM), đã cho toàn bộ nhân viên thị trường làm việc tại nhà, không được đi tiếp xúc khách hàng như trước. Đối với đội xe tải giao hàng, công ty chuẩn bị đầy đủ giấy tờ xe, giấy phép lưu thông vận chuyển các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Sở Giao thông Vận tải TP HCM cấp, nhân viên có đeo thẻ, hợp đồng lao động… để vận chuyển hàng kịp thời. Ngoài ra, đội xe phải ghi nhật ký lộ trình (đến đâu, tiếp xúc với ai,…) để công ty quản lý.
Theo Người Lao Động