Giá nhà tăng vọt, trong khi thu nhập thì teo tóp mà nhu cầu chi tiêu tối thiểu lại đội lên từng ngày… khiến cho giấc mơ mua nhà của vợ chồng chị Yến trở nên mong manh hơn nữa.
- Biệt thự nội đô Vinhomes Wonder Park có gì hấp dẫn khách hàng
- Biệt thự đơn lập Vinhomes Wonder Park Đan Phượng- “Xứ sở diệu kỳ” trong lòng Hà Thành
- Biệt thự song lập Vinhomes Wonder Park Đan Phượng bùng nổ do đâu?
Mỏi mắt tìm căn hộ bình dân
Cách đây 4 năm, trước khi kết hôn, vợ chồng chị Hoàng Hải Yến (Hải Dương) đưa ra kế hoạch trong khoảng 5 năm sẽ tích lũy mua một căn nhà giá bình dân từ thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, hiện nay dự án mới khan hiếm, trong khi giá nhà liên tục leo thang nên vợ chồng chị Yến chỉ còn cách chắt chiu dành dụm và tiếp tục chờ đợi.
Bất động sản leo thang, kế hoạch mua nhà của nhiều vợ chồng trẻ "đứt gánh" – 1
Nhà chung cư bình dân khan hiếm
“Mình tham khảo một số dự án đang triển khai tại các quận vùng ven nhưng đều có mức giá khá cao, từ 28 – 30 triệu/m2. Thực sự quá sức so với khả năng tài chính của mình” – chị Yến nói.
Cũng ở quê lên Hà Nội lập nghiệp, chị Nguyễn Phương Thảo (bạn đồng hương của chị Yến) chia sẻ, do cần có nhà ở nên vợ chồng chị đành chuyển hướng khác.
“Giá nhà mới hiện quá cao. Một năm qua mình dành thời gian đi tìm hiểu về các dự án sắp triển khai trên địa bàn thành phố, bao gồm cả những khu vực xa trung tâm như Gia Lâm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm,… nhưng không tìm được dự án nào có mức giá bình dân so với khả năng tài chính của vợ chồng trẻ như mình. Do đó, tháng 8 vừa qua, hai vợ chồng chuyển hướng, bỏ qua kế hoạch mua nhà mới dồn tiền tiết kiệm bấy lâu rồi vay thêm ngân hàng để mua căn hộ tập thể cũ 60m2 với giá tiền 1,2 tỷ đồng” – chị Thảo cho hay.
Có thể thấy, do chi phí xây dựng gia tăng qua các năm cùng với việc quỹ đất hạn hẹp, đặc biệt các gói tín dụng ưu đãi kết thúc, khiến các doanh nghiệp ngày càng quay lưng với loại hình này khiến những dự án nhà bình dân giá dưới 25 triệu đồng/m2 ngày càng khan hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều gia đình trẻ như chị Yến và chị Thảo gần như đã “đứt gánh” giấc mơ mua nhà giá rẻ.
Thị trường BĐS vào chu kỳ hồi phục từ năm 2014 đến nay, giá BĐS ở các phân khúc đã tăng gấp đôi, nhưng thu nhập của người dân không theo kịp. Nhiều biện pháp đã được Chính phủ, bộ ngành và địa phương đưa ra nhưng đến nay chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tỷ lệ hấp thụ nhà ở trên tổng nguồn cung thị trường quý 3/2020 chỉ đạt 35,5%, điều này cho thấy lượng giao dịch trên thị trường sơ cấp đang rất thấp và người mua ngày càng ít mặn mà với thị trường BĐS.
Cần lắm những chính sách hỗ trợ mới
Mới đây, trong báo cáo thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại 2 thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa phù hợp nhu cầu thị trường dù được điều chỉnh theo hướng tích cực. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết vẫn chưa giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp. Giá nhà ở chưa ổn định, không phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người mua.
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở giảm và giá nhà vẫn tăng so với cuối 2019. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0,16%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,01%. Trong khi đó, tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều tổ chức, đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản cũng đưa ra các báo cáo cho thấy giá nhà không những không giảm mà còn tăng.
Cũng trong báo cáo thị trường quý 3 mới công bố của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, ngay cả trước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư trung, cao cấp gần như không biến động, trong khi một số dự án phân khúc bình dân thậm chí đẩy giá lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp. Thậm chí, tại thị trường TP.HCM, giá bán căn hộ quý 3 còn tăng mạnh 15 – 20% so với quý 2, tạo cơn sốt.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, phân tích khoảng 2 năm nay, Hà Nội và TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Quý 2/2020, loại hình căn hộ có mức giá bình dân tiếp tục không còn xuất hiện trên thị trường. Từ quý 1/2020 đến nay, loại hình này đã không còn, dù nhu cầu của người dân rất lớn. Riêng tại Hà Nội, hiếm có sản phẩm thuộc phân khúc bình dân.
“Giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng, đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ chậm. Nhiều dự án có sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, bị áp lực phải thu hồi vốn để trả nợ, phải áp dụng chính sách khuyến mãi và tặng quà giá trị lớn”, ông Đính nói.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, giá nhà tăng vọt đang có khoảng cách xa với tầm tay của người thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội, đối tượng chính sách. Duy trì như vậy thì mục tiêu an sinh xã hội đặt ra của Bộ Xây dựng khó đạt được nên cần xem xét lại. Tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền, dẫn đến giá nhà tăng vọt, làm cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư khó tạo lập nhà ở hơn trước đây.
“Các năm qua, chúng tôi luôn khuyến cáo doanh nghiệp ưu tiên phát triển phân khúc này để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, nhưng thực tế số dự án nhà vừa túi tiền vẫn nhỏ giọt, “cháy hàng” sau một thời gian ngắn được mở bán. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho người mua căn nhà đầu tiên cũng như có chính sách phát triển nhà ở thương mại diện tích nhỏ tại các khu vực vùng ven vì phân khúc này phù hợp với nhiều người. Hiện rất khó tìm căn hộ dưới 1,5 tỉ đồng tại TP.HCM”, ông Châu nói.
Theo 24h