Nhà giàu Trung Quốc đang đổ xô đi tìm kiếm những bất động sản xa xỉ, coi đó như một nơi ẩn náu an toàn khi nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch Covid-19.
- Nhiều khách sạn tại Phú Quốc dính hàng loạt sai phạm “nghiêm trọng”
- Thị trường gặp khó khăn người Trung Quốc sở hữu nhiều lô đất tại Việt Nam như thế nào
- Tiết kiệm 5 triệu/tháng liệu có mua được nhà ở Hà Nội?
Trên khắp Trung Quốc hay tại một số khu vực bất động sản được săn lùng nhất ở châu Á, giới giàu có đang “chộp lấy” các bất động sản cao cấp nhằm bảo vệ tài sản trong bối cảnh lo ngại lạm phát và đồng Nhân dân tệ suy yếu.
Điều này dẫn đến sự tăng vọt của giá nhà đất cao cấp ở Trung Quốc, đồng thời cũng tạo thêm những thuận lợi cho thị trường bất động sản châu Á vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Monika Tu, người sáng lập Black Diamondz, một công ty Úc chuyên phục vụ những nhà đầu tư bất động sản cao cấp Trung Quốc, cho biết, kể từ tháng 3 vừa qua, anh đã bán được 85 triệu AUD (55 triệu USD) bất động sản, trong đó, một nửa là cho các khách hàng Trung Quốc đang ở Úc khi đại dịch xảy ra.
Việc nới lỏng giãn cách xã hội khiến những người Trung Quốc giàu có dễ dàng tham quan các bất động sản và hoàn tất các giao dịch ở các điểm nóng của châu Á như Thượng Hải, Seoul và Sydney.
Ở một khu vực yêu thích khác tại Singapore, các chuyến tham quan kèm theo những hình ảnh quảng cáo hoa mỹ về những bất động sản cao cấp đã giúp “đóng dấu” mua bán nhanh chóng các giao dịch trị giá hàng triệu USD.
Điều này hoàn trái ngược với London và New York, nơi thị trường bất động sản vẫn bị án binh bất động bởi tình trạng đóng băng nền kinh tế.
Theo số liệu từ Juwai Iqi, một công ty bất động sản, nhu cầu của nhà đầu tư Trung Quốc đối với bất động sản của Hàn Quốc đã tăng 180% trong quý đầu tiên so với quý IV năm 2019, trong khi các nhu cầu về nhà ở tại New Zealand tăng 75%. Tuy nhiên, nhu cầu này giảm 32% ở Anh và 18% ở Mỹ.
Nhu cầu về những bất động sản cao cấp tăng cao đang thúc đẩy giá nhà ở Trung Quốc. Giá nhà cao cấp ở 4 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã tăng 1% trong tháng 4. Trung tâm công nghệ của Thâm Quyến là nơi có giá nhà tăng mạnh nhất – tại đây đã có một bước nhảy vọt kỷ lục về giá nhà.
Ngay cả ở Singapore, nơi mà hoạt động kinh tế vẫn còn bị đóng băng một phần, việc mua bán bất động sản vẫn bắt đầu thông qua các nền tảng trực tuyến.
Clarence Foo, một đại lý bất động sản của APAC Realty Ltd. cho biết, đã có 3 vị khách hàng Trung Quốc mua 6 căn hộ trị giá 20 triệu SGD (11 triệu USD) tại Marina One Residences trong tháng này mà không cần phải tìm hiểu quá nhiều thông tin. Một nhà đầu tư khác thì đã chi khoảng 12 triệu SGD cho 3 căn hộ có 3 phòng ngủ riêng biệt trong cùng một dự án gần Marina Bay Sands.
Christine Sun, người đứng đầu nghiên cứu và tư vấn tại OrangeTee & Tie Pte, Singapore cho biết: “Một số người mua có thể muốn chuyển tiền sang các nước khác vì đồng nhân dân tệ có thể bị mất giá hơn nữa”.
Hồng Kông từng là một điểm đến được ưa chuộng do sự gần gũi với Trung Quốc đại lục và ít hạn chế về thị trường hơn, nhưng các cuộc biểu tình tại đây đã khiến nhiều người giàu Trung Quốc tìm đến Singapore như một sự thay thế. Giá nhà cao cấp Hồng Kông đã giảm 4,5% trong quý đầu tiên, gấp đôi mức giảm tại Singapore.
“Những nhà đầu tư Trung Quốc xem thị trường bất động sản Singapore là một nơi trú ẩn an toàn vì sự ổn định của nó. Đây là một thị trường ổn định nhiều hơn so với Hồng Kông”, Clarence Foo chia sẻ.
Nhu cầu bất động sản tại những khu vực không thuộc trung tâm tài chính Châu Á cũng đang tăng lên. Đại lý bất động sản Malaysia, Zulkhairi Anwar, người chuyên về bất động sản cao cấp tại Azmi & Co., đã tiến hành việc giao dịch trong tháng này về các căn hộ có giá khoảng từ 2 triệu đến 5 triệu USD tại thủ đô Kuala Lumpur với 2 nhà đầu tư Trung Quốc.
Malaysia hấp dẫn họ bởi vì có lượng dân số Trung Quốc đáng kể ở đây và các bất động sản xa xỉ tại đây vẫn rẻ hơn những bất động sản tương tự tại Singapore.
Theo China Real Information Corp, tại Trung Quốc, những ngôi nhà có giá khoảng 20 triệu Nhân dân tệ (2,8 triệu USD) ở các thành phố lớn đã nổi lên như một trào lưu kể từ tháng 4, khi các nhà chức trách bắt đầu nới lỏng tín dụng để giúp vực dậy nền kinh tế.
Ông Yang Kewei, giám đốc nghiên cứu tại cơ quan bất động sản Trung Quốc cho biết: “Những người mua này đang bổ sung nguồn tài sản đầu tư thông qua bất động sản khi nền kinh tế chậm lại và lạm phát gia tăng. Họ nghĩ rằng bất động sản là hàng rào chống lạm phát tốt nhất ở Trung Quốc.”
Theo Bloomberg