Theo bảng giá đất mới vừa được HĐND TP. Đà Nẵng thông qua, mức giá cao nhất vẫn giữ ở mức 98,8 triệu đồng/m2, thậm chí, có khu vực còn giảm 5%.
- Virus Corona giáng đòn đau đến thị trường bất động sản như nào ?
- Bất động sản trầm lặng trong mùa dịch, giá thuê nhà vẫn ở mức “căng thẳng”
- Giải pháp mua chung cư thu hút nhiều khách hàng tiềm năng
Mức giá cao nhất vẫn giữ ở mức 98,8 triệu đồng/ m2
Ngày 13/3, HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua tờ trình và dự thảo Nghị quyết về bảng giá đất 5 năm, từ năm 2020 – 2024.
Theo đó, bảng giá các loại đất trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2024 được xây dựng căn cứ theo khung giá đất quy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 19/12/2019.
Giá đất trong bảng giá đất đối với đất sử dụng có thời hạn được tính tương ứng với thời hạn sử dụng đất là 70 năm. Giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng trong 5 năm tới vẫn là mức 98,8 triệu đồng như hiện nay.
Đà Nẵng đã thông qua tờ trình và dự thảo Nghị quyết về bảng giá đất 5 năm, từ năm 2020 – 2024. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, bảng giá đất mới của Đà Nẵng bổ sung giá với 290 tuyến đường mới đặt tên với mức điều chỉnh giảm 5% đối với đất thương mại dịch vụ và đất sản xuất kinh doanh so với mức quy định tại Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND (tương ứng bằng 80% và 60% so với giá đất ở cùng vị trí).
Ngoài ra, bổ sung điều chỉnh những bất cập như: sửa đổi giá đất đối với 5 tuyến đường chưa phù hợp (giá thực tế thấp hơn mức giá quy định); bổ sung giá đất từ vị trí 01 đến vị trí 05 của các đường trong các khu dân cư; bổ sung về hệ số vị trí khu đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh và phần diện tích áp dụng hệ số đặc biệt ngã 3, ngã 4 đối với các khu đất 02 mặt tiền trở lên…
Như vậy, khu vực từ bảo tàng Chàm, đường Nguyễn Văn Trỗi – đường Xô Viết Nghệ Tĩnh có giá dao động từ 11,5 – 98,8 triệu đồng/ m2, tùy thuộc vào khu vực.
Một số tuyến phố “hot” tại Đà Nẵng như đường 3 tháng 2, đường 30 tháng 4 có mức giá lần lượt là 71,14 triệu đồng và 78,3 triệu đồng/ m2; đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ 12 – 82 triệu đồng/ m2,…
Trước đó, vào cuối năm 2019, HĐND TP. Đà Nẵng chưa đồng ý thông qua Tờ trình 8046/TTr-UBND về việc tăng giá đất giai đoạn 2020 – 2014 lên 15 – 20%, so với giai đoạn trước. Nếu được thông qua, tuyến đường Bạch Đằng, Đống Đa – Nguyễn Du có mức giá cao nhất lên tới 304,26 triệu đồng/m2.
Vào thời điểm đó, HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng, mức giá đất quá cao sẽ tác động tiêu cực đến vấn đề thu hút đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận đất đai của người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở.
Theo nhiều chuyên gia, với bảng giá đất mới không có nhiều sự điều chỉnh về giá sẽ giúp thị trường ổn định và kích cầu trong thời gian tới. Ảnh minh họa
Ổn định bảng giá đất sẽ kích thích thị trường “nóng” trở lại
Theo nhiều chuyên gia, với bảng giá đất mới không có nhiều sự điều chỉnh về giá sẽ giúp thị trường ổn định và kích cầu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS Đà Nẵng đang trong giai đoạn chững lại về cả giá trị đất và số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Vì vậy, việc ổn định bảng giá đất là điều cần thiết để thu hút nhà đầu tư trở lại.
Sự suy yếu của BĐS Đà Nẵng hiện nay do 3 yếu tố chính là dịch Covid-19, sự đổ vỡ của Cocobay và sự thiếu đồng bộ trong công tác quản lý của chính quyền Đà Nẵng.
“Có rất nhiều dự án BĐS tại Đà Nẵng đang gặp rắc rối về pháp lý. Ví dụ, nhiều dự án đã hoàn thiện, đủ điều kiện để cung cấp ra thị trường nhưng hiện đang bị rà soát lại, chưa được phép bán. Hoặc, một số dự án đang bước sang giai đoạn hoàn thiện, cũng bị khoanh vùng và phải dừng thi công. Điều này tác động không nhỏ đến thị trường BĐS Đà Nẵng và khiến nhiều người e dè, ngại đầu tư”, ông Đính phân tích.
Với sự ổn định của bảng giá đất mới, ông Đính cho rằng thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ sớm hồi phục và nhanh chóng hấp dẫn nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia BĐS cũng đánh giá cao động thái ổn định bảng giá đất của Đà Nẵng.
Hiện nay, thị trường BĐS Đà Nẵng vẫn có rất nhiều tiềm năng để phát triển đặc biệt là các dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp nhờ vào các yếu tố tự nhiên như bãi biển đẹp, số lượng du khách đông đảo. Đà Nẵng cũng là thành phố trẻ, năng động, ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp rót vốn vào thị trường. Vì vậy, mảng chung cư, nhà ở và văn phòng tại đây cũng được đánh giá là vẫn có cơ hội phát triển bứt phá.
Mới đây, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, sinh thái, đáng sống không chỉ hàng đầu của cả nước mà còn là hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung”.
Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường BĐS Đà Nẵng sớm hồi phục trong thời gian tới.
Theo Dân Trí