LIÊN HỆ ĐẶT MUA

Đăng ký tư vấn
& Nhận báo giá





    Không


    Biệt thự cổ ở TPHCM có nguy cơ bị xóa sổ, vì sao?

    Khó khăn về kinh tế và thủ tục tu sửa rườm rà khiến nhiều chủ nhân các biệt thự cổ đành ngậm ngùi rao bán gia sản nhiều đời của gia tộc hoặc bất lực nhìn chúng xuống cấp.
    Nhiều hạng mục ở biệt thự cổ ở số 8 đường Bãi Sậy, quận 6 xuống cấp
    Nhiều hạng mục ở biệt thự cổ ở số 8 đường Bãi Sậy, quận 6 xuống cấp

    Khó sửa chữa

    Theo quy định, việc tháo dỡ, đập bỏ, xây dựng mới liên quan biệt thự cũ phải được Sở Quy hoạch Kiến trúc có ý kiến và được UBND TPHCM cho phép. Vì vậy, khi các chủ sở hữu biệt thự có nhu cầu tháo dỡ, xây dựng mới thì UBND các quận, huyện đều gửi công văn về Sở Quy hoạch Kiến trúc và chờ UBND TPHCM giải quyết từng trường hợp một.
    Năm nay hơn 70 tuổi, bà Tiết Nguyên Vinh đã gắn bó gần gần hết cuộc đời với biệt thự số 8, đường Bãi Sậy, quận 6. Căn biệt thự rộng gần 1.000m2, mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, đang xập xệ như nhiều biệt thự cổ khác.
    Bà Vinh kể, lúc bà 9 tuổi thì gia đình dọn về đây sinh sống, khi đó ngôi biệt thự mới xây xong 1 năm. Qua thời gian, ngôi biệt thự nguy nga một thời dần ọp ẹp, nhiều hạng mục bắt đầu mục nát. Cửa ra vào, cửa thông gió… bị hư hại buộc chủ nhà phải gia cố tạm bợ để tránh mưa nắng. Để có thêm thu nhập, những người đang sinh sống trong biệt thự này cho thuê đất xây hai kho hàng trước sân. “Bây giờ muốn sửa sang thì không có tiền, rao bán thì không được. Tôi mong Nhà nước sớm giải quyết tình trạng này”, bà Vinh nói.
    Biệt thự ở số 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh từng khiến dư luận sục sôi. Trước khi bị tháo dỡ, căn biệt thự này là của ông Lê Thanh Công. Ông Công nói rằng, gia đình ông mua lại từ những năm 1990. Căn biệt thự được xây trước năm 1945, sau đó qua nhiều đời chủ thì đến gia đình ông ở và buộc phải rao bán với giá 35 tỷ đồng, vì không thể tu sửa để ở do khó khăn kinh tế.
    Tương tự, bà Ngô Thanh Hiền, chủ căn biệt thự ở số 138 đường Châu Văn Liêm, quận 10, cũng muốn rao bán ngôi nhà rộng khoảng 500m2 với một tầng trệt và một tầng lầu. Biệt thự cổ này từng là nơi cư ngụ của 3 thế hệ nhưng tới đời bà Hiền thì hư hỏng, xuống cấp nên bà phải chuyển đến nơi ở mới. Theo bà Hiền, trước kia, gia đình bà muốn tu sửa căn nhà nhưng vì thủ tục tu sửa rườm rà và số tiền sửa quá lớn, nên cuối cùng bà đành bỏ hoang.
    Khi những biệt thự cổ bị rao bán, nhiều đại gia bất động sản bỏ ra hàng trăm tỷ đồng mua lại chỉ vì giá trị khu đất và tìm mọi cách đập bỏ. Biệt thự cổ ở 12 Lý Tự Trọng, quận 1 đã bị đập bỏ để xây dựng khách sạn cao hàng chục tầng. Hai căn biệt thự gần đối diện nhau ở số 68 và 65 Phạm Ngọc Thạch, quận 3 cũng rơi vào tình trạng tương tự, hiện chỉ còn một mảng tường nhỏ có đính họa tiết, hoa văn sót lại bám vào vách tường của tòa cao ốc bên cạnh như một dấu tích kiến trúc Sài Gòn xưa.

    Cần tài trợ cho chủ nhà

    Theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc của Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, nguyên nhân khiến số lượng biệt thự cổ tại thành phố ngày càng teo tóp là do thủ tục duy tu, tôn tạo nhiêu khê khiến nhiều chủ sở hữu làm liều. Khi cơ quan chức năng phát hiện, nhiều kiến trúc cổ chỉ còn trên giấy, hoặc bị sửa chữa, chắp vá. Cái khó nằm ở sự thiếu hợp tác của người dân có nhà thuộc dạng cổ, cũng như ở thủ tục giấy tờ. Một công trình biệt thự thuộc nhóm cần kinh phí bảo tồn, từ khi lập hồ sơ đến lúc thông qua, công trình từ hư hỏng ít đã rơi vào trạng thái hư hỏng nặng vì chờ đợi quá lâu.
    Theo TS Nguyễn Minh Hòa, việc xếp hạng, bảo tồn biệt thự cổ thời gian qua có phần hấp tấp, vội vàng. Đa số biệt thự cổ thuộc sở hữu tư nhân, chính quyền muốn xếp hạng phải công bố, thỏa thuận hoặc chủ nhân làm đơn đề nghị công nhận di sản. Việc giữ lại biệt thự cổ phải có kế hoạch phát triển, tài trợ cho gia chủ cải tạo, kinh doanh như di sản sống.
    Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, kiến trúc sư Ngô Việt Nam Sơn nói rằng, việc bảo tồn biệt thự cổ ở TPHCM đang có nhiều bất cập; thành phố phân loại biệt thự loại 1, loại 2 nhưng lại không đi kèm bất cứ quyền lợi nào như hỗ trợ chi phí bảo tồn, duy tu, sửa chữa…
    “Mình bắt người ta không được thay đổi, sửa chữa gì hết thì nên gọi là biệt thự di sản, cho nó một tên gọi xứng đáng. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ. Bởi biệt thự ở khu trung tâm TPHCM không được xây cao sẽ bị thiệt hại về tài chính. Để khuyến khích người dân bảo tồn, không đơn giản chỉ là cấm người ta”, ông Sơn nói.
    Trong khi đó, theo đánh giá của HĐND TPHCM, sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc kiểm kê, phân loại biệt thự cũ trước năm 1975 chưa đồng bộ, còn chậm. Công tác phân loại biệt thự cũ của Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, nhiều biệt thự không có hồ sơ lưu trữ và khó nhận diện các biệt thự đã bị biến dạng.
    Theo Tiền Phong 

    Trả lời